Tà áo phấp phới bay của những đôi nam thanh nữ tú đang đu đưa qua lại nhịp nhàng trên cột đu, bao quanh là tiếng reo hò tán thưởng của dân làng. Cùng lúc đó, những trò chọi gà, cờ người, bắt vịt… cũng thu hút được rất nhiều người tham gia. Đó chính là không khí vui tươi của ngày xuân của biết bao làng quê Việt Nam truyền thống.
Cho đến tận nay, chúng ta vẫn ví von: “Vui như tết” quả là không sai. Tết là dịp cả gia đình, dòng tộc, thầy trò, làng xóm, bằng hữu sum họp lại để cùng thắp nén hương dâng lên tổ tiên, đi thăm viếng và trao nhau những lời chúc tụng, cùng ngồi bên mâm cỗ ấm cúng hay đi lẽ đình chùa cầu mong bình an… Tết cũng là dịp duy nhất trong năm có những thứ rất “sang” như “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” và “Eo xèo trên vách bức tranh gà” (Tú Xương).
Cái vui của ngày Tết sẽ càng trọn vẹn hơn khi từ con trẻ cho đến nam, nữ, phụ lão đều hòa mình vào các trò vui chơi giải trí.
Người dân Việt vốn quanh năm “Bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, lênh đênh trên sóng nước hay trèo đèo đèo lội suối để kiếm miếng cơm manh áo. Họ đâu có nhiều thời gian để có thể tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí. Chỉ có đến những ngày Tết và đầu xuân thì họ mới có thời gian rảnh rỗi để chăm lo cho đời sống tinh thần của mình. Theo cái vòng tuần hoàn đó, các làng xã cũng thường tổ chức hội hè vào những ngày xuân để mọi người cùng được vui chơi, giao lưu gần xa. Một thú vui hấp dẫn rất nhiều người chính là các trò chơi dân gian. Các trò này rất phong phú, phù hợp với nhiều lứa tuổi, giới tính.
Những trò chơi đấu trí như chơi cờ, đánh bài là những trò rất nhẹ nhàng, tao nhã. Cờ người chơi như cờ tướng, chỉ khác là được chơi trên sân đình, chùa, các quân cờ là những nam thanh nữ tú với tên được viết trên lưng áo hay tấm biển cầm tay. Người chơi cờ dùng một lá cờ nhỏ để điều khiển thế trận. Những đôi trai gái vừa di chuyển vừa liếc mắt nhìn nhau đến đỏ cả má… Cuộc cờ này có thể diễn ra giữa các làng, xóm với nhau và vì thế mà thu hút được rất nhiều người đứng xem. Bên cạnh khu cờ người, những bàn cờ tướng của các cụ ông hay những cậu học trò đấu nhau cũng rất quyết liệt.
Đó là ngoài đình, chùa, còn trong nhà thì lại có những hội tổ tôm của các ông; tam cúc của các bà, các cô; bầu cua tôm cá của các em cũng khá rôm rả. Những trò này chủ yếu là đấu trí, có ăn thua một chút thì cũng chỉ để lấy may cho năm mới chứ mấy ai tính toán cờ bạc, sát phạt nhau để rồi mang tiếng với cả xóm làng.
Những trò chơi vận động lại thu hút được nhiều thanh niên hơn. Chúng rất gần gũi với cuộc sống lao động hàng ngày. Người vùng chiêm trũng, vùng sông, biển thì thi bơi, đua thuyền, bắt vịt; ở đồng bằng chơi đấu vật, đánh đu, đánh phết; còn vùng núi thì chơi ném còn, nhảy sạp, bắn cung, nỏ… Những con thuyền gỗ chở hơn chục tay chèo cứng cáp đang rẽ nước lao đi như những con rắn bơi trên sông. Đôi đô vật cởi trần đóng khố giữa cái rét của ngày xuân và tiếng trống lúc khoan lúc nhặt rất dẻo dai và mưu trí với những miếng vật "bốc một", "bốc đôi", "bốc trong", "bốc ngoài", "gồng", "bò" sao cho đối thủ bị ngã phơi bụng hoặc bị nhấc bổng lên là thắng. Khu vực chơi đánh đu thì lại là nơi tình tự của những đôi trai gái. Có không ít đôi trước đó đã hứa hẹn với nhau đến ngày Tết sẽ cùng chơi đu. Bởi thế mà những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất sẽ được để dành để đến ngày này “Bốn mảnh quần hồng bay phất phới” như Hồ Xuân Hương đã tả khi xưa.
Với những người đảm đang, khéo léo thì những trò chơi như pháo đất, đi cà kheo, đập niêu đất, ném vòng cổ chai, thi thổi cơm, thi đam lát lại rất hấp dẫn. Trò pháo đất tưởng đơn giản mà lại lắm công phu. Mấy người đàn ông to khỏe và khéo léo xúm đầu vào nhào, lặn bằng tay và đôi khi cả chân, miết đất cho đều, mịn, đắp các vành sao cho cao đều nhau, thành đúng hình bầu dục hay tròn, đường kính có khi bằng cả một cánh tay. Lúc hồi hộp nhất cuộc chơi chính là lúc người ta cần pháo lên vào đập pháo xuống – đòn quyết định “mèo nào thắng mỉu nào” chính là đây.
Không chỉ có vậy, các con vật nuôi hàng ngày cũng được tham gia các trò chơi ngày xuân. Chọi trâu, bịt mắt bắt dê, bắt vịt, thả chim câu và đặc biệt là chọi gà với rất nhiều “tín đồ” là đàn ông. Một vòng tròn được quây bằng liếp tre rất đơn giản chính là xới gà. Bên trong, hai “võ sĩ gà” lao vào nhau lia lịa, nào mổ, nào đá, nào móc đều được các chàng trống đưa ra hết. Những tiếng vỗ tay cổ vũ không ngớt sau những đòn đá hiểm hóc khiến cho hai chú gà càng hăng hơn, và trận đấu chỉ kết thúc khi một trong hai tử trận. Người ta mê chơi gà không chỉ vì nó là con vật gần gũi với họ hàng ngày mà còn vì năm đức tính đáng quý như một bậc quân tử của nó nữa: Trí – Vũ – Dũng – Uy – Nhân.
Có người nước ngoài nói rằng người Việt Nam rất ham chơi! Câu ca: “Tháng giêng là tháng ăn chơi/Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè” đã rõ rành rành. Dân ta có nhiều trò chơi, nhiều hội hè đình đám như vậy thì không ham chơi sao cho được! Khi chơi, ai nấy đều chơi hết mình. Chơi để giải trí, giao tình, hòa mình vào xóm giềng, vào thiên nhiên thanh bình, để rèn luyện thân thể, trí tuệ, chơi không sát phạt tiền bạc, không tị nạnh, không sao nhãng công việc… Chơi văn hóa như vậy thì ai mà chẳng mê chơi!
4 thg 2, 2012
Từ khóa:
báo xuân,
Boong viết,
tôi viết,
văn hóa,
văn hóa dân gian
Người đăng
Binh Tran
08:30
Trần Bình Thường
Bài viết cho số Xuân 2012, Nội san Xã hội Nhân văn của trường ĐH KHXH&NV TP.HCM
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét 0 bình luận: